Sáng ngày 03/5, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng chí Trần Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trương Bá Trạng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị. Hội nghị trực tiếp và kết họp trực tuyến đến 11 điểm cầu cấp huyện, 88 điểm cầu cấp xã, có 3.768 đại biểu tham dự.
Đại biểu tham dự
Tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thông tin khái quát mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam báo cáo chuyên đề tại hội nghị
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam từng bước được xác định và hiện thực hóa góp phần khơi dậy, phát huy sức mạnh của dân tộc. Xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức, lối sống văn minh, hiện đại được đẩy mạnh và tạo ra động lực tích cực cho phát triển văn hóa. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa. Nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, phát huy. Đời sống văn hoá của Nhân dân không ngừng được cải thiện. Xã hội hóa văn hóa ngày càng mở rộng, hệ thống thiết chế văn hoá được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động. Quá trình hoàn thiện thể chế, chế định pháp luật đã tạo môi trường thể chế xây dựng, phát triển văn hóa và con người theo hướng bền vững.
Nghị quyết đã tác động tích cực tới việc định hình chính sách phát huy tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, từ đó Việt Nam trở thành quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hóa. Đổi mới tư duy về phương thức lãnh đạo và quản lý phát triển văn hóa phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thay đổi tư duy toàn ngành văn hóa từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa nhằm kiến tạo để đưa lĩnh vực văn hóa phát triển ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội.
Đại biểu tham dự điểm cầu chính
Quang cảnh Hội nghị điểm cầu chính
Tại An Giang, các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp nêu trong Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên từng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc được đầy đủ, sâu sắc hơn. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả quan trọng, nhất là phục vụ cho công tác phát triển kinh tế du lịch, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử… tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương đã có những khuyến nghị đối với tỉnh.
Đồng chí Trần Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Thị Thanh Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị các cấp ủy, địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm thực hiện quyết liệt và có hiệu quả hơn một số vấn đề:
Thứ nhất: Các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai, quán triệt để các địa phương, đơn vị nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và cấp uỷ địa phương về văn hoá. Trên cơ sở đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nhằm huy động, khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển văn hoá trên địa bàn tỉnh. Quán triệt nghiêm túc quan điểm "Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Trong quá trình đa dạng hoá các hoạt động văn hoá, cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hoá cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng xây dựng nền tảng tinh thần trong sáng, lành mạnh; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hoá từ tỉnh đến cơ sở.
Thứ hai: Xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ; đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hoá tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hoá trong giai đoạn mới. Công tác lãnh đạo và quản lý văn hoá không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hoá.
Thứ ba: Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể hiện có tại địa phương, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hoá của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hoá Việt Nam. Đồng thời chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội hội. Phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; nghĩa tình; trọng công lý và đạo lý trong xã hội. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.