Cổng thông tin điện tử Ban Quản Lý Khu Kinh Tế An Giang    
 
 
 
 
 
Skip portlet Portlet Menu
 
 
 
 
 
 
 
Tin trong Tỉnh
An Giang: Tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế biên giới (23/02/2023)

Sự kiện UBND tỉnh An Giang và Tòa Hành chính tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia) tổ chức lễ công bố Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương được xem là sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt. Đây là tiền đề quan trọng để TX. Tân Châu nói riêng, tỉnh An Giang nói chung tập trung phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) biên giới những năm tới.

Responsive image

Responsive image

Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương

Responsive image

Từ ý nghĩa

Chính phủ đã đồng ý, mở mới Cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương và hợp nhất Cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương thành Cửa khẩu đường bộ, đường sông Vĩnh Xương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, việc mở mới Cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia (tại Quyết định 1490/QĐ-TTg, ngày 26/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ); thể hiện sự thống nhất cao giữa nhân dân và chính quyền tỉnh An Giang và tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia), góp phần khắc phục những bất cập trong quản lý, vận hành khi cửa khẩu đường bộ và đường sông nằm cạnh nhau nhưng không thống nhất về loại hình, chức năng kiểm tra, kiểm soát cửa khẩu.

Cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương sẽ có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển KTXH. Việc công bố mở mới Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương sẽ tạo sự thúc đẩy trong quan hệ hợp tác theo hướng ngày càng chặt chẽ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Campuchia, Lào…

Chia sẻ về những bất cập trong công tác quản lý tại Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Cường cho biết, hiện Cửa khẩu đường sông Vĩnh Xương là cửa khẩu quốc tế, trong khi Cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương là cửa khẩu chính, từ đó phương thức quản lý và yêu cầu về người, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư tại 2 cửa khẩu này có sự khác biệt. Khi cả 2 cửa khẩu cùng là cửa khẩu quốc tế thì việc hợp nhất sẽ tạo thuận lợi trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư, cơ sở hạ tầng dùng chung, linh hoạt trong việc vận hành bộ máy.

Lợi thế của Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (đối với trong nước) là kết nối với các đô thị trong vùng Tây Nam Bộ, như: TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, đồng thời kết nối các nước trong khối ASEAN. Đây là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu, giúp hạ tầng khu vực này được nâng cấp theo hướng hiện đại, đảm bảo các yêu cầu đặt ra trong việc phát triển KTXH, đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên giới.

Responsive image

Thương nhân Campuchia sang Việt Nam mua các loại cá nước ngọt mang về tiêu thụ

Đến triển vọng phát triển

Từ Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, hàng hóa, phương tiện, con người đi đến thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) chỉ 100km, ra cửa biển Cổ Chiên khoảng 220km, về TP. Cần Thơ 130km (theo đường sông). Giao thông từ đường bộ đến đường thủy được kết nối rất thuận lợi. “Trong tương lai không xa, khi các công trình giao thông quan trọng được hoàn thiện, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển đối với TX. Tân Châu nói riêng, của tỉnh và khu vực ĐBSCL nói chung. Giúp phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của khu vực, đón đầu các làn sóng đầu tư vào khu vực này một cách thuận lợi…” - Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ chia sẻ.

Việc mở mới Cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương, hợp nhất cửa khẩu đường bộ và đường sông là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động phát triển KTXH vùng ĐBSCL.

Theo đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển KTXH vùng ĐBSCL (trong bối cảnh hội nhập quốc tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) thì Chính phủ còn tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối các trung tâm của vùng.

Cụ thể, sẽ xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng ĐBSCL. Tập trung đầu tư phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; ban hành chính sách ưu đãi để phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp thành khu kinh tế tổng hợp, gồm: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông-lâm-ngư nghiệp, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong…

Hiện nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đạt 650 triệu USD năm 2022 và trong tương lai, khi đường bộ lẫn đường sông trở thành cửa khẩu quốc tế thì hàng hóa, phương tiện, con người đi qua cửa khẩu này sẽ tăng mạnh. Việc thu hút các nhà đầu tư về đây triển khai dự án sẽ nhiều hơn.

“Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa bằng đường bộ (thay cho đường sông trước đây), điều kiện để phát triển du lịch, giao lưu văn hóa của nhân dân 2 nước. Việc hợp nhất sẽ là tiền đề để hình thành hệ thống logistics của tỉnh và địa phương. TX. Tân Châu kiến nghị với tỉnh, sớm đầu tư xây dựng Trạm Kiểm soát liên hợp, có kế hoạch nâng cấp Tỉnh lộ 952 trở thành đường cấp III đồng bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có tải trọng lớn đi qua…”- Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Nguyễn Ngọc Vệ kiến nghị.

 

Nguồn phát hành :Báo An Giang
 
 
 
 
 
 
 
Skip portlet Portlet Menu
Đang tải....
 
Skip portlet Portlet Menu

An Giang tăng cường kêu gọi đầu tư

Núi Sập