Tổng lượt truy cập
An Giang xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng đến năm 2030.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh cùng với sự nỗ lực của các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố, sau khi triển khai, thực hiện Chương trình hành động đã mang lại hiệu quả trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức số. Các cơ quan báo chí, trong và ngoài tỉnh tích cực đưa tin tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng các thông tin, mô hình thí điểm về chuyển đổi số, mở chuyên mục chuyển đổi số phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Báo An Giang, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống truyền thanh cơ sở. Về Phát triển hạ tầng số, trên địa bàn tỉnh có 100% trung tâm xã, phường, thị trấn được kết nối Internet cáp quang tốc độ cao; 100% khóm, ấp được phủ sóng Internet di động băng rộng phục vụ nhu cầu dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân. Tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng Smartphone là 66,2%; mật độ điện thoại đạt gần 128 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ hộ gia đình có Internet đạt 83,06%. Lĩnh vực an toàn, an ninh thông mạng: Công tác cảnh báo bảo và hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời; Tính đến 9/2022, không xảy ra tình trạng mất an toàn, an ninh thông tin; có 03 cơ cơ quan nhà nước được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin.
Về Phát triển chính quyền số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 100% huyện, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số. Trục LGSP kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết Thủ tục hành chính tỉnh với các phần mềm ứng dụng chuyên ngành từ tỉnh, huyện đến xã; Thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với các hệ thống phần mềm chuyên ngành do Bộ, ngành trung ương triển khai thông qua Trục kết nối liên thông quốc gia.
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả và sâu rộng: Tính đến tháng 9/2022, tích hợp 1.250 dịch vụ công mức độ 3, 4 trên cổng vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 93,8% tăng so cùng kỳ năm 2021 44,6%; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 91,9% tăng so kế hoạch. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã cung cấp 2.064 dịch vụ hành chính công. Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trên hệ thống trực tuyến và nhận kết quả tại nhà thông qua Bưu điện nhằm giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại và tránh tập trung đông người, đảm bảo công tác phòng chông Covid-19.
Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, có 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh liên thông gửi nhận văn bản 4 cấp chính quyền; Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 95%. Hệ thống được tích hợp chữ ký số để phát hành văn bản điện tử trên môi trường mạng góp phần giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước phục vụ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp. Về hệ thống thông tin báo cáo có 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện báo cáo trực tuyến trên hệ thống, báo cáo định kỳ theo quy định đối với 8 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh trên Hệ thống báo cáo LRIS của tỉnh được kết nối, liên thông với Hệ thống báo cáo Chính phủ nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Về cung cấp dữ liệu mở trong cơ quan nhà nước, ngày 24/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung theo Quyết định số 1066. Đến nay, có 03/09 cơ quan nhà nước cấp tỉnh cung cấp dữ liệu mở, đạt tỉ lệ 33,3%. Song song đó, Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang đưa vào vận hành thử nghiệm ngày 20/6/2022 để theo dõi, giám sát, tiếp nhận, điều phối, xử lý, tổng hợp, cung cấp thông tin cho người dân và chính quyền, Hệ thống IOC của tỉnh đã được kết nối, tích hợp 10 hệ thống, với 08 nhân sự tham tiếp nhận thông tin qua Ứng dụng SmartAnGiang và Web (https://smart.angiang.gov.vn). Kết quả sau 03 tháng thử nghiệm Trung tâm IOC tỉnh đã tiếp nhận và xử lý kịp 72 phản ánh kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Trung tâm IOC của 4/11 các huyện, thị, thành phố đã được tích hợp vào Trung tâm IOC của tỉnh.
Phát triển kinh tế số và xã hội số, năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung, An Giang nói riêng là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ các nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử. Địa phương đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 170 về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1965 Ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang đến năm 2025. Tính đến nay, Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng như: thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng mạng xã hội để trao đổi, quảng bá hình ảnh... đạt 100% so với kế hoạch; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; Số lượng người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đạt tỉ lệ 68,07% tăng với kế hoạch. Thực hiện Đề án thương mại điện tử Quốc gia năm 2022 “Xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến theo xu hướng quốc tế cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang”. An Giang có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng 10 bộ thương hiệu trực tuyến. Triển khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đăng ký tài khoản đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp tại địa chỉ https://dbi.gov.vn/.
Chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập tại 11/11 huyện, thị, thành phố với tổng cộng 6.517 thành viên; trong đó, Tổ cấp phường/xã: 156 tổ với 1.609 thành viên; Tổ cấp khóm/ấp: 731 tổ với 4.908 thành viên. Sau khi được tập huấn tập huấn, tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ "Đi từng ngõ gõ từng nhà" tuyên truyền, hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tạo lập tài khoản thanh toán, mua sắm trực tuyến; hướng dẫn kỹ năng bảo đảm an toàn ở mức cơ bản để người dân khi lên mạng không bị lừa đảo…nhằm phục vụ người dân lên môi trường số.
Thực hiện Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tỉnh An Giang được giao nhiệm vụ triển khai “Ứng dụng thí điểm nền tản giám định sinh vật gây hại cho cây lúa trên địa bàn tỉnh An Giang, hướng đến nhân rộng trên phạm vi toàn quốc”. Triển khai thí điểm Apps với trên 200 nông dân (tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành và xã Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) cùng với các 50 cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Khuyến nông của 2 huyện. Kết quả Tổng số người tham gia là hơn 700 người, 4 Trung tâm BVTV vùng lập 4 nhóm zalo hướng dẫn các tỉnh chụp và gửi ảnh và đã duyệt vào cơ sở dữ liệu hơn 22.000 ảnh. Cục BVTV đã phối hợp Trung tâm Giám định KDTV biên soạn thông tin và ảnh chuẩn hơn 100 loài sinh vật gây hại trong thời gian triển khai thí điểm, phần mềm cơ bản đã được hoàn thiện và sử dụng thực tế, tuy nhiên cần thêm quá trình để công nghệ AI “học” nhận diện chính xác các loài sinh vật gây hại, đồng thời cung cấp thêm hình ảnh đã được chụp để nhận diện theo hình thức offline để ngày ngày tăng độ chính xác.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chinh phủ số, kinh tế số và xã hội số, ngày 22/8/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, An Giang thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước; phát triển kinh tế số đạt 10% GRDP; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, thế mạnh của tỉnh về Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Du lịch…; nâng cao hiệu quả điều hành và quản lý của cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; nâng cao sức hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống vật chất tinh thần của người dân. Nghị quyết đề ra các giải pháp trọng tâm nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng bộ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của nhân dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung. Với các nhóm giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Tập trung xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số; Tập trung chuyển đổi số một số ngành, lĩnh vực trọng yếu. Cụ thể: cần hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hoá dữ liệu. Hướng dẫn người dân và doanh nghiệp triển khai các ứng dụng, nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân. Hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên nền tảng số. Xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn với phát triển đô thị thông minh, thí điểm và hoàn thiện mô hình xã thông minh. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống chuyển sang sản xuất, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hợp tác xã nông nghiệp; Tổ chức các chương trình kết nối, chia sẻ, giới thiệu các mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo. Xây dựng và phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung, tăng cường hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang./.