- Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 38/QĐ-TTg. Để đề án thành công, trách nhiệm và vai trò phối hợp, tham gia các bộ, ngành cũng rất quan trọng…
Cán bộ hải quan thực hiện thông quan lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp. Ảnh: Phi Vũ
“Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành đang cùng chung tay hoàn thiện dự thảo nghị định nhằm cụ thể hóa đề án kiểm tra chuyên ngành, trên tinh thần cải cách nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg với 7 nội dung cải cách thủ tục nhập khẩu hàng hóa, nhằm mang lại lợi ích cho xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, để đề án thành công, đồng thời với nỗ lực của cơ quan hải quan thì vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành tham gia là rất quan trọng, có yếu tố quyết định…” - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho hay.
Cụ thể hóa nhiệm vụ của các bộ ngành
Theo Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai các nội dung cải cách quan trọng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 38/QĐ-TTg. Các bộ, ngành có trách nhiệm và vai trò phối hợp, tham gia cùng Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan triển khai xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Nghị định KTCN).
Về phương diện kỹ thuật, các bộ, ngành có vai trò ban hành và công bố trên cổng thông tin một cửa quốc gia: Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm kèm mã HS ở cấp độ chi tiết nhất; tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục.
Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Tổng cục Hải quan, ban soạn thảo dự thảo nghị định KTCN đã làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg.
Đại diện các bộ, ngành cùng đã đánh giá cao sự tiếp thu của ban soạn thảo khi bổ sung nhiều chương, điều khoản quan trọng làm rõ vai trò trách nhiệm của Bộ Tài chính, cơ quan hải quan và bộ, ngành liên quan, hạn chế sự chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá cao việc dự thảo bổ sung thêm chương khoản quy định về trình tự thủ tục đối với hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch vừa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT quản lý.
“Việc bổ sung thêm chương khoản này sẽ tháo gỡ được vướng mắc đối với hàng hóa nông nghiệp vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra chất lượng hàng hóa phù hợp với quy định Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thú y…” - đại diện Bộ NN& PTNT ghi nhận.
Đại diện Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cũng đánh giá cao dự thảo có chương mục làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, cơ bản đã làm rõ được trách nhiệm các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; quyền và nghĩa vụ của cơ quan kiểm tra; quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp, các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan được bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định. Tại chương quy định về tổ chức thực hiện cũng đã làm rõ được trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Cần sự tích cực vào cuộc của cơ quan quản lý
Liên quan đến việc triển khai Quyết định 38/QĐ-TTg, tại các cuộc họp trực tuyến do Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tổ chức góp ý dự thảo nghị định KTCN, đại diện các bộ, ngành đã chủ động tham gia ý kiến.
Về cơ bản đại diện bộ quản lý ngành đồng thuận với quan điểm cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu theo 7 nội dung cải cách và đề nghị cần tiếp tục làm rõ quy trình, phương thức kiểm tra sản phẩm. Đồng thời, đại diện các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đề nghị tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề.
Đơn cử bà Trần Việt Nga đề xuất cần làm rõ khái niệm hàng hóa giống hệt nhau, vì trên thực tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm rất khó phân định và cần có quy định quản lý nhà nhập khẩu và cả nhà sản xuất liên quan đến hình thức kiểm tra chất lượng hàng hóa tại nguồn…
Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết thêm, để đề án thành công, đồng thời với nỗ lực của cơ quan hải quan thì vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành tham gia là rất quan trọng, có yếu tố quyết định…
Tổng cục Hải quan tiếp tục tổ chức các cuộc họp với từng bộ quản lý ngành, cộng đồng DN sớm hoàn thiện trình Bộ Tài chính xem xét, kịp trình Chính phủ trong tháng 6/2021.
Trong đó, ban soạn thảo tiếp tục làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trong việc quản lý tại Danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm kèm mã HS để cơ quan hải quan và doanh nghiệp có căn cứ áp dụng, thực hiện. Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để chia sẻ, tích hợp thông tin giữa các bên tham gia về chất lượng, an toàn thực phẩm và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những lô hàng nhập khẩu không đạt chất lượng, an toàn thực phẩm…
Nhiệm vụ cốt lõi tham gia đề án kiểm tra chuyên ngành của bộ, ngành
Quyết định 38/QĐ-TTg giao các bộ, ngành có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì) thực hiện kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu theo cơ chế cơ quan hải quan làm đầu mối; chỉ định các tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định và các đơn vị, tổ chức của cơ quan hải quan có đủ năng lực thực hiện chứng nhận/giám định theo quy định.
Đồng thời, các bộ, ngành có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng truy xuất nguồn gốc, kiểm tra tại nguồn; áp dụng việc thừa nhận, công nhận chất lượng của những mặt hàng nhập khẩu được sản xuất theo công nghệ tiên tiến và có xuất xứ từ những nước, vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn chất lượng cao để giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra toàn bộ hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của các cơ quan liên quan, tổ chức và doanh nghiệp...