Sáng 21/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Phó Trưởng Ban thường trực, Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy chủ trì Hội nghị Sơ kết triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Quang cảnh Hội nghị
Lãnh đạo chủ trì Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự có Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang - Phó Trưởng Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Lê Quốc Cường; thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số; Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số cùng lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh và trực tuyến tại điểm cầu 11 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh. Tổng số biểu tham dự gần 700 đại biểu.
Chương trình Chuyển đổi số tỉnh An Giang nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; doanh nghiệp phát triển dựa trên hạ tầng số, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số; người dân tham gia tích cực ứng dụng, khai thác nền tảng số. Theo đó, đưa ra 15 chỉ tiêu cụ thể thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về phát triển chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số. Đồng thời, đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, cùng với 53 chương trình/dự án.
Thông qua báo cáo sơ kết triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, chương trình chuyển đổi số tỉnh đạt được một số kết quả nhất định như: có 18 dự án/nhiệm vụ về CNTT và chuyển đổi số được triển khai; có 11/15 chỉ tiêu đạt mục tiêu của chương trình đề ra; dự án trung tâm dữ liệu, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản sẽ đáp ứng hạ tầng phần cứng, máy chủ phục vụ triển khai, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, giúp hình thành dữ liệu tập trung, dùng chung và mở phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp phát triển KT-XH và công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; dự án hình thành khu Công nghệ thông tin tập trung, đang giải phóng mặt bằng, với quy mô gần 6 ha, giúp kêu gọi đầu tư và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh An Giang được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến xã, 100% văn bản điện tử được gửi, nhận trên hệ thống; cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, đã được hợp nhất thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cung cấp 100% DVC toàn trình các TTHC đủ điều kiện, được xếp mức độ A; Bệnh viện Đa khoa Khu vực Châu Đốc, là Bệnh viện đầu tiên trên địa bàn tỉnh, được Bộ Y tế công nhận triển khai thành công Bệnh án điện tử. Tháng 6/2023 Trung tâm Y tế huyện Châu Phú cũng được Bộ Y tế công nhận Bệnh án điện tử; triển khai thử nghiệm SmartAnGiang giúp kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; hệ thống Camera Biên phòng và các hệ thống Camera an ninh trật tự tại các huyện, thị, thành góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn biên giới.
Chánh Văn phòng - Sở Tư pháp Tô Thị Thu Thủy phát biểu tham luận Hiệu quả triển khai kết nối liên thông TTHC lĩnh vực Tư pháp và giải pháp nâng cao hiệu quả
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Hùng Dũng phát biểu tham luận Hiệu quả việc triển khai VBDLIS của ngành Tài nguyên và Môi trường
Giám đốc Sở Y tế Trần Quang Hiền phát biểu tham luận Kết quả triển khai CSDL ngành y tế trong công tác quản lý ngành và phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Hải phát biểu tham luận Kết quả triển khai, vận hành thử nghiệm trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang
Giám đốc Viettel An Giang Nguyễn Trường Giang phát biểu tham luận Viettel An Giang đồng hành và phát triển Kinh tế số cho bà con nông dân
Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Trung Kiên phát biểu tham luận Hiệu quả việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh An Giang
Giám đốc VNPT An Giang Trần Thái Tuyên phát biểu về Giải pháp triển khai nền tảng công dân điện tử duy nhất dùng chung tỉnh An Giang
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trương Long Hồ phát biểu tại Hội nghị
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang - Phó Trưởng Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Lê Quốc Cường phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Phó Trưởng Ban thường trực, Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Nguyễn Thị Minh Thúy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, đánh giá cao kết quả đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ, dự án, đề án theo Chương trình 553/Ctr-UBND, ngày 9/9/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 22/8/2022 của Tỉnh ủy nhằm đảm bảo đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; Tham mưu UBND tỉnh triển khai các mô hình xã nông thôn mới thông minh theo Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống thông tin báo cáo dữ liệu động (LRIS) trên địa bàn tỉnh đảm bảo đến 2025, "Tỉ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 90%” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; quan tâm chỉ đạo tốt công tác đào tạo đảm bảo đến năm 2025 có 100% lãnh đạo cán bộ công chức viên chức trong cơ quan nhà nước phải được bồi dưỡng tập huấn kỹ năng số để sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu công việc;.... Đồng thời, đảm bảo trang thiết bị; xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo liên thông và chia sẻ theo qui định. Phát huy tối đa các nguồn lực, đảm bảo nguồn lực phù hợp cho việc chủ động thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số; triển khai đầy đủ phương án, giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ…
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để sớm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cần có sự quyết tâm rất lớn của các cơ quan, đơn vị và địa phương đặc biệt là người đứng đầu. Để từng bước đẩy mạnh thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi chúng ta cần xây dựng giải pháp trên từng nhiệm vụ, từng mục tiêu để triển khai thực hiện góp phần hoàn thành Chương trình chuyển đổi số theo mục tiêu đã đề ra từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.